`

 

PVLC Mùa Thường Niên Tuần XXXIII Thứ 6


 

Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Mcb 4, 36-37, 52-59

"Họ làm lễ cung hiến bàn thờ và hân hoan dâng lễ toàn thiêu".

Trích sách Macabê quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, Giuđa và anh em ông nói rằng: "Quân thù chúng ta đã bị tiêu diệt, nay chúng ta hãy đi thanh tẩy và cung hiến Ðền thánh lại".

Toàn thể quân đội được triệu tập, rồi cùng lên núi Sion.

Ngày hai mươi lăm tháng chín (tức là tháng Kislêu) năm một trăm bốn mươi tám, họ dậy sớm, dâng lễ tế như Luật dạy trên bàn thờ dùng để dâng lễ toàn thiêu mà họ vừa mới thiết lập. Bàn thờ đã được cung hiến lại giữa những tiếng ca, tiếng đàn lục huyền cầm, phong cầm cùng tiếng não bạt, đúng mùa, đúng ngày trước kia dân ngoại đã xúc phạm đến bàn thờ. Toàn dân sấp mình thờ lạy và ca tụng Ðấng ngự trên trời đã ban chiến thắng cho họ.

Họ làm lễ cung hiến bàn thờ suốt tám ngày, hân hoan dâng lễ toàn thiêu, lễ đền tội và lễ tạ ơn. Họ trang hoàng mặt tiền Ðền thờ với những triều thiên vàng và bảng chương, sửa lại các cửa ra vào và các phòng, đặt cánh cửa lại. Dân chúng nô nức vui mừng vì đã rửa sạch được nỗi tủi nhục do dân ngoại gây nên. Giuđa cùng với anh em ông và cộng đoàn Israel quyết định rằng: Hằng năm, từ ngày hai mươi lăm tháng Kislêu, lễ cung hiến bàn thờ sẽ được cử hành trong vui mừng hân hoan suốt tám ngày.

Ðó là lời Chúa. 

Ðáp Ca: 1 Sb 29, 10. 11abc. 11d-12a. 12bcd

Ðáp: Lạy Chúa, chúng con chúc tụng thánh danh vinh hiển của Chúa (c. 13b).

Xướng: 1) Ðavít đã chúc tụng Chúa trước mặt toàn thể cộng đồng, Người thưa: "Lạy Chúa là Thiên Chúa Israel cha ông chúng con, Chúa đáng chúc tụng từ đời đời tới muôn muôn thuở". - Ðáp.

2) Lạy Chúa, cao sang, quyền bính và vinh quang, chiến thắng, lời ca khen đều thuộc về Chúa, vì tất cả những gì trên trời dưới đất là của Chúa. - Ðáp.

3) Chúa ngự trên tất cả những đế vương. Giàu sang là của Chúa, và vinh quang là của Chúa. - Ðáp.

4) Chúa thống trị trên tất cả mọi loài, sức mạnh quyền bính đều ở trong tay của Chúa; ở trong tay Chúa, mọi uy phong và vững bền. - Ðáp. 

Alleluia: Tv 118, 34

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin giáo huấn con, để con tuân cứ luật pháp của Chúa, và để con hết lòng vâng theo luật đó. - Alleluia. 

Phúc Âm: Lc 19, 45-48

"Các ngươi đã biến đền thờ Thiên Chúa thành sào huyệt trộm cướp".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu vào đền thờ, Người liền xua đuổi các người buôn bán tại đó và phán bảo họ rằng: "Có lời chép rằng: Nhà Ta là nhà cầu nguyện, các ngươi đã biến thành sào huyệt trộm cướp". Và hằng ngày Người giảng dạy trong Ðền thờ. Các thượng tế, luật sĩ và kỳ lão trong dân tìm cách hại Người, nhưng họ không biết phải làm cách nào, vì dân chúng hết thảy đều chăm chú nghe Người.

Ðó là lời Chúa.

Suy nghiệm Lời Chúa
Quá yêu thương đến bất khả chấp
 

Bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên, tiếp tục với cuộc hành trình lên Giêrusalem của Chúa Kitô, ở chỗ, sau khi "Người đã gần đến Giêrusalem" trong Bài Phúc Âm hôm kia, sau đó "Chúa Giêsu đến gần Giêrusalem" trong bài Phúc Âm hôm qua, và hôm nay "Chúa Giêsu vào đền thờ". 

Phải, nếu đền thờ Giêrusalem là nơi Thiên Chúa ngự, là biểu hiệu cho sự hiện diện thần linh của Thiên Chúa, thì sự kiện Chúa Giêsu có mặt ở đền thờ này cho thấy Người đã đến được đích điểm cuộc hành trình Giêrusalem của Người.  

Bởi Người đến "là để tỏ Cha ra" (Gioan 1:18), tức để làm cho dân của Người biết Cha của Người thực sự là Đấng nào, Vị Thiên Chúa đã từng tỏ mình ra cho họ trong suốt giòng lịch sử cứu độ của họ như là một Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất, ngoài Ngài ra không còn một vị Thiên Chúa nào khác, và vì thế họ phải hết mình kính mến Ngài, chỉ một mình Ngài thôi, "hết lòng, hết linh hồn và hết sức" của họ (xem Đệ Nhị Luật 6:4-5), nghĩa là trên hết mọi sự.

 Bởi thế, không lạ gì, khi thấy cảnh tượng dân chúng buôn bán trong đền thờ "là nhà cầu nguyện", như chính Người nói trong Bài Phúc Âm hôm nay, đã bị "biến thành sào huyệt trộm cướp", thì làm sao Người là Đấng kính mến Cha Người hết mình và trên hết mọi sự, khi thấy nơi biểu hiệu cho sự hiện diện thần linh của Cha bị chính dân của Ngài tục hóa, có thể nào chịu đựng được, đến độ dù Người vốn "hiền lành và khiêm nhượng trong lòng" (Mathêu 11:29) cũng không thể nào không ra tay "xua đuổi các người buôn bán tại đó". 

 

Phải chăng đó là một trong những lý do chính yếu khiến Người vừa thấy thành thánh Giêrusalem, Người đã thổn thức khóc, như bài Phúc Âm hôm qua thuật lại? Người đã không khóc khi thấy Cha của Người bị xúc phạm cho bằng khóc thương dân của Người, vì họ không ngừng liên tục xúc phạm đến Cha của Người mà nguy hiểm đến phần rỗi đời đời của chính họ. Bởi thế mà trên đường vác thập giá lên Núi Sọ, Người đã khuyên đám phụ nữ thương khóc Người bấy giờ rằng: "Chớ khóc thương Tôi, một khóc thương các ngươi cùng con cháu của các ngươi" (Luca 23:27-28).  

Đúng vậy, nếu con người ta nói chung và những ai tin vào Người nói riêng thật sự biết khóc thương bản thân mình, ở chỗ tỏ ra ăn năn thồng hối tội lỗi của mình, thì đó là tác động họ khóc thương Người rồi vậy, vì họ sẽ không dám xúc phạm đến Người nữa, họ sẽ không làm cho Người phải khổ sở vác thập giá của họ và cho họ nữa, thập giá do chính họ chất lên vai của Người. Tội lỗi của họ chính là thập giá mà Người phải vác vậy. Và thập giá cũng là biểu hiệu cho từng con chiên lạc Người cần phải tìm kiếm và vác trên vai mang về nhà Cha của Người vậy (xem Luca 15:5).  

Đó là lý do Người quả thật không hề ghét bỏ dân của Người qua hành động đánh đuổi họ như thế, trái lại, chỉ vì Người thương họ hơn bao giờ hết, khi thấy họ lầm lạc đến độ chính họ là dân được Thiên Chúa là Cha của Người tuyển chọn đã tục hóa một nơi thánh nhất của họ, chứ không phải bị tục hóa bởi dân ngoại không biết gì đến Vị Thiên Chúa của họ, như đã phũ phàng và trắng trợn xẩy ra vào thời kỳ hậu lưu đầy của họ, khi họ bị ngoại bang xâm chiếm và đô hộ, đến độ quyền lực ngoại bang bấy giờ đã ra tay tàn phá và tục hóa đền thờ ấy, một biến cố lịch sử đầy nhơ nhớp được Sách Macabê quyển thứ nhất diễn thuật trong Bài Đọc 1 Thứ Hai đầu tuần này. 

Việc Chúa Giêsu "xua đuổi các người buôn bán tại đó" còn mang một ngậm ý trách móc cả thành phần lãnh đạo dân Chúa bấy giờ nữa, thành phần có thẩm quyền để hướng dẫn dân Chúa theo đường lối của Thiên Chúa, theo lề luật thánh lại để xẩy ra tình trạng tục hóa công khai này, một là vì chính họ cho phép hai là vì họ cứ để cho dân chúng tha hồ tục hóa đền thờ linh thánh này, không hề ngăn cản tí nào, như thể vừa tán thành vừa đồng lõa với tội lỗi của dân.

Người biết rằng việc Người tự động "xua đuổi các người buôn bán tại đó" chắc chắn sẽ đụng chạm đến quyền bính của thành phần lãnh đạo này. Thế nhưng, vì Người đến cứu cả thành phần lãnh đạo mù quáng ấy nữa, nên Người vẫn bất chấp, họ có tỏ ra hận thù Người hơn bao giờ hết, như được Bài Phúc Âm hôm nay cho thấy: "Các thượng tế, luật sĩ và kỳ lão trong dân tìm cách hại Người, nhưng họ không biết phải làm cách nào, vì dân chúng hết thảy đều chăm chú nghe Người". 

Họ càng hận thù và tìm cách hại Người bao nhiêu thì chính họ là thành phần "không muốn" xẩy ra chuyện "phong vương" của Người càng được thành tựu, như ý nghĩa trọng dụ ngôn của Bài Phúc Âm hôm kia cho biết vào thời điểm Người "gần đến Giêrusalem" là nơi Người sẽ bị rơi vào tay họ như Người đã báo trước cho các môn đệ của Người về biến cố bất khả tránh này 3 lần, đúng như ý định vô cùng nhiệm mầu của Cha Người về cuộc hành trình Giêrusalem của Người là để Người được "phong vương" trên ngai tòa thập tự giá một cách danh chính ngôn thuận: "Giêsu Vua Dân Do Thái" (Luca 23:38).

Tuy nhiên, ngay lúc bấy giờ, lúc Người "xua đuổi các người buôn bán tại đó" thì họ còn sợ dân chúng, tức chưa đến giờ của người, nhờ đó, như Phúc Âm cho biết: "hằng ngày Người giảng dạy trong Ðền thờ". Và vì thế, từ ngày mai Thứ Bảy Tuần XXXIII Thường Niên cho tới hết tuần 34 Thường Niên là tuần cuối cùng của phụng niên hằng năm, chúng ta sẽ đọc thấy các bài Phúc Âm cho ngày thường trong tuần liên quan đến giáo huấn Giêrusalem của Người, những giáo huấn cuối cùng của hành trình Giêrusalem được Người công khai truyền dạy ở chính thành thánh Giêrusalem, giáo đô của Do Thái giáo, cũng là khởi điểm truyền giáo (xem Tông Vụ 1:8) ngay sau biến cố Thánh Linh Hiện Xuống của Giáo Hội được Người thiết lập.

Đúng thế, đối với những con người không tin tưởng Thiên Chúa, hay tin tưởng một cách nửa vời, hoặc tin tưởng một cách giả hình như thành phần trí thức Do Thái giáo là luật sĩ và biệt phái nói chung, thì Đền Thờ là nơi Thiên Chúa ngự giữa họ sẽ bị họ tục hóa và biến thành một phương tiện lạm dụng của họ cho lợi lộc trần gian. Thế nhưng, đối với những tâm hồn nào thực sự tin tưởng Ngài mới tỏ ra tôn kính Đền Thờ của Ngài, nhất là khi thấy Đền Thờ của Ngài bị tục hóa chẳng những bởi dân ngoại mà còn bởi cả chính dân của Ngài nữa, và họ không thể nào không tái thiết đền thờ xứng với Vị Thiên Chúa tối cao chí thánh của họ, như trường hợp của nhân vật Giuđa cùng với anh em mình, những người con của người bố anh hùng đức tin Matha-thia, đã làm trong Bài Đọc 1 theo sách Macabê quyển thứ 1 như sau:

"Trong những ngày ấy, Giuđa và anh em ông nói rằng: 'Quân thù chúng ta đã bị tiêu diệt, nay chúng ta hãy đi thanh tẩy và cung hiến Ðền thánh lại'. Toàn thể quân đội được triệu tập, rồi cùng lên núi Sion. Ngày hai mươi lăm tháng chín (tức là tháng Kislêu) năm một trăm bốn mươi tám, họ dậy sớm, dâng lễ tế như Luật dạy trên bàn thờ dùng để dâng lễ toàn thiêu mà họ vừa mới thiết lập. Bàn thờ đã được cung hiến lại giữa những tiếng ca, tiếng đàn lục huyền cầm, phong cầm cùng tiếng não bạt, đúng mùa, đúng ngày trước kia dân ngoại đã xúc phạm đến bàn thờ". 

Chưa hết, sau đó "toàn dân sấp mình thờ lạy và ca tụng Ðấng ngự trên trời đã ban chiến thắng cho họ. Họ làm lễ cung hiến bàn thờ suốt tám ngày, hân hoan dâng lễ toàn thiêu, lễ đền tội và lễ tạ ơn. Họ trang hoàng mặt tiền Ðền thờ với những triều thiên vàng và bảng chương, sửa lại các cửa ra vào và các phòng, đặt cánh cửa lại. Dân chúng nô nức vui mừng vì đã rửa sạch được nỗi tủi nhục do dân ngoại gây nên". Hành động của dân Chúa được thuật lại trên đây chính là âm vang của những tâm tình tôn thờ chân thực được chất chứa trong bài Đáp Ca hôm nay:

1) "Lạy Chúa là Thiên Chúa Israel cha ông chúng con, Chúa đáng chúc tụng từ đời đời tới muôn muôn thuở".

2) Lạy Chúa, cao sang, quyền bính và vinh quang, chiến thắng, lời ca khen đều thuộc về Chúa, vì tất cả những gì trên trời dưới đất là của Chúa.

3) Chúa ngự trên tất cả những đế vương. Giàu sang là của Chúa, và vinh quang là của Chúa.

4) Chúa thống trị trên tất cả mọi loài, sức mạnh quyền bính đều ở trong tay của Chúa; ở trong tay Chúa, mọi uy phong và vững bền. 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên

TN.XXXIIIL-6.mp3